Từ bãi tắm Thùy Vân nhìn chếch về hướng Đông Nam, Hòn Bà hiện ra giống như một viên ngọc bích đặt trên tấm thảm màu xanh lam, lung linh kỳ vĩ. Có lẽ du khách cũng như người dân Vũng Tàu hầu như ai có dịp đi qua đường Thùy Vân cũng phải dừng lại ngắm đảo Hòn Bà. Nếu sẵn có máy ảnh hoặc điện thoại trong tay sẽ không bỏ lỡ cơ hội bấm máy ghi hình hòn đảo nhỏ bé, xinh đẹp này.
Nội dung chính
Cập nhật lịch nước rút Hòn Bà Tháng 9/2020
Thứ Ba ngày 1/9/2020: nước rút từ 18:00 đến 21:00
Thứ Tư ngày 2/9/2020: nước rút từ 19:00 đến 21:00 (Rằm Tháng 7)
Thứ Năm ngày 3/9/2020: nước rút từ 20:00 đến 21:00
Thứ Sáu ngày 4/9/2020: Nước rút 30 phút từ 20:45 đến 21:15
Thứ Bảy ngày 5/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Chủ Nhật ngày 6/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Thứ Hai ngày 7/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Thứ Ba ngày 8/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Thứ Tư ngày 9/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Thứ Năm ngày 10/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Thứ Sáu ngày 11/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Thứ Bảy ngày 12/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Chủ Nhật ngày 13/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được (Có khả năng đi được từ 16:00 – 17:00)
Thứ Hai ngày 14/9/2020: Nước rút từ 17:00 đến 18:00
Thứ Ba ngày 15/9/2020: Nước rút từ 18:00 đến 19:00
Thứ Tư ngày 16/9/2020: Nước rút từ 18:00 đến 21:00
Thứ Năm ngày 17/9/2020: Nước rút từ 18:00 đến 20:00
Thứ Sáu ngày 18/9/2020: Nước rút từ 19:00 đến 21:00
Thứ Bảy ngày 19/9/2020: Nước rút từ 20:00 đến 22:00
Chủ Nhật ngày 20/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Thứ Hai ngày 21/9/2020: Nước rút từ 10:00 đến 11:00
Thứ Ba ngày 22/9/2020: Nước rút từ 10:00 đến 12:00
Thứ Tư ngày 23/9/2020: Nước rút từ 11:00 đến 13:00
Thứ Năm ngày 24/9/2020: Nước rút từ 12:00 đến 13:00
Thứ Sáu ngày 25/9/2020: Nước rút khoảng 30 phút từ 13:45 đến 14:15
Thứ Bảy ngày 26/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Chủ Nhật ngày 27/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Thứ Hai ngày 28/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Thứ Ba ngày 29/9/2020: Nước lớn không đi bộ ra được
Thứ Tư ngày 30/9/2020:Nước lớn không đi bộ ra được
Sơ lược về Hòn Bà Vũng Tàu
Đảo Hòn Bà rộng khoảng 5.000m2, nằm ở phía Đông Nam núi Nhỏ, cách chân núi hơn 200m. Xung quanh đảo là bãi đá ngầm lởm chởm, hình thù kỳ quái. Bởi vậy, khi thủy triều lên, ai muốn ra đảo bằng thuyền hoặc xuồng máy sẽ không thể chạy thẳng từ đất liền mà phải lượn vòng ra phía biển rồi cập bến phía Đông của đảo. Khi thủy triều xuống, một con đường đá lởm chởm dưới đáy biển phát lộ, chạy thẳng từ bờ biển ra đảo. Trên đảo có ngôi Miếu Bà cổ kính, xây dựng từ thế kỷ 19, thờ Thủy Long Thần Nữ. Vào những ngày lễ hội Miếu Bà, du khách cùng người dân Vũng Tàu thường ra đảo theo con đường đá độc đáo này.
Là cư dân sinh sống lâu năm ở TP. Vũng Tàu, tôi có nhiều lần cùng bà xã ra đảo Hòn Bà. Nhưng lần nào cũng phải vội vàng trở về vì sợ thủy triều lên, con đường vào bờ sẽ chìm sâu xuống đáy biển. Bởi vậy, tôi chưa có dịp khám phá những điều kỳ bí của Miếu Bà và đảo Hòn Bà.
Dịp rằm tháng Giêng, mấy người bạn đồng hương du lịch Vũng Tàu ghé chơi nhà. Họ ngỏ ý muốn ra viếng Miếu Bà, đúng dịp thủy triều xuống thấp vào ban ngày nên tôi nguyện làm hướng dẫn viên cùng họ đi bộ theo con đường đá ra đảo. Bà Sáu, người coi miếu kể, Miếu Bà thờ Thủy Long Thần Nữ. Trong thế giới tâm linh của người đi biển, đây là vị thần đặc biệt linh thiêng, giữ cho mưa thuận gió hòa, phù hộ người đi biển tránh rủi ro, hung hạn, thuyền về đầy ắp cá tôm.
Bà Sáu kể: Năm Tân Tỵ (1881) ở làng Thắng Tam có một người quê gốc miền Trung tên là Hồ Quang Minh đã tự bỏ tiền xây Miếu Bà trên đảo Hòn Bà để thờ Thủy Long Thần Nữ. Ông Hồ Quang Minh là người yêu nước, thương dân. Khi hay tin triều đình Huế cắt Nam Kỳ lục tỉnh cho người Pháp, ông vô cùng đau đớn, phẫn nộ, muốn làm việc lớn để giúp dân nhưng chưa làm được. Ông quyết định bỏ toàn bộ tài sản xây Miếu Bà trên đảo Hòn Bà, với ý nguyện cầu mong Thủy Long Thần Nữ phù hộ ngư dân gặp may mắn, bình an trong những chuyến đi biển. Xây xong miếu, ông Hồ Quang Minh đã tự thiêu trên đảo Hòn Bà để lại di nguyện cuối cùng là vĩnh viễn nằm lại Hòn Bà để cùng Thủy Long Thần Nữ trợ giúp ngư dân.
Theo thời gian, người dân Vũng Tàu đã nhiều lần tu bổ Miếu Bà ngày càng vững chắc, khang trang hơn. Phần chính của ngôi miếu cao khoảng 4m, bên trong có điện thờ các vị thần linh, dưới có tầng hầm dài 6m, rộng 3m làm nơi ăn ở cho người coi miếu. Thời Pháp thuộc, tầng hầm này là nơi hội họp của những người yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Năm Kỷ Mão (1939), viên sĩ quan Pháp chỉ huy trận địa pháo trên Núi Nhỏ tên là Archinard rất ngông cuồng. Nghe thông tin Miếu Bà là nơi hội họp của người yêu nước, hắn ra lệnh bắn 3 phát đại bác vào Miếu Bà, trong đó có 2 phát đạn trúng góc miếu. Hai ngày sau, Archinard mò ra đảo Hòn Bà khảo sát thực địa. Nhưng thật kỳ lạ, viên sĩ quan Pháp ngông cuồng đã bị cướp cò súng, chết ngay trên đảo.
Sau cái chết của Archinard, binh lính Pháp khiếp sợ không dám ra đảo Hòn Bà nữa. Để ghi nhớ sự kiện này, người Pháp gọi đảo Hòn Bà là đảo Archinard.
Bà Sáu cho biết, hàng năm tại Miếu Bà có 4 lễ hội vào tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy và tháng Mười âm lịch. Trong đó, lễ hội lớn nhất là Rằm tháng Giêng. Trong những ngày lễ hội, người dân Vũng Tàu, khách du lịch và ngư dân từ nhiều nơi nườm nượp lội bộ theo con đường đá dưới đáy biển vừa phát lộ khi thủy triều rút xuống để ra đảo tham dự lễ hội. Họ đến đây thành tâm cầu mong cho quốc thái dân an, cuộc sống ấm no hạnh phúc, những chuyến ra khơi đánh bắt gặp nhiều thuận lợi, vùng biển đảo của Tổ quốc mãi mãi giàu đẹp, yên bình.